Những bài thơ hay và ý nghĩa nhất dịp Tết

Cứ mỗi dịp Tết về, trong sắc đỏ thắm của hoa đào, sắc vàng rực rỡ của hoa mai và trong không khí xuân tươi vui rộn ràng trên khắp mọi nẻo đường đất nước, người ta lại nhớ về những bài thơ Tết rất hay, rất ý nghĩa đã in đậm vào đời sống. Chỉ cần nhắc nhớ đến thôi là đã cảm thấy Tết thật rõ ràng, thật đủ đầy và ấm áp biết bao. Có những bài thơ Tết được coi là hay nhất, ai cũng nhớ, cũng quen, đã làm nên một nét Tết rất riêng, vừa lãng mạn, vừa nghệ thuật.

 

Chợ Tết – Đoàn Văn Cừ

Bất cứ ai yêu văn chương nước nhà đều biết đến nhà thơ nổi tiếng của làng thơ Việt Nam là Đoàn Văn Cừ, một hồn thơ khiêm nhường và lặng lẽ. Người ta nhắc đến Đoàn Văn Cừ là nhắc đến bài thơ Chợ Tết, mà nhắc đến chợ Tết là sẽ tưởng tượng ra một phiên chợ Tết quê vừa đẹp đẽ, vừa náo nhiệt và rộn rã vô cùng.

Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi

Sương hồng lam ôm ấp mái nhà tranh

Trên con đường viền trắng mép đồi xanh

Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết...

Một hình ảnh làng quê quen thuộc hiện ra, bình yên và giản dị. Đã thành quen thuộc, những phiên chợ Tết ngày 30 lúc nào cũng rộn rã, đông vui nhất. Bài thơ Chợ Tết là vẻ đẹp đan xen của con người và thiên nhiên, bằng cái nhìn đôn hậu, ấm áp mà trong trẻo của người viết.

Chợ Tết quê thanh bình, tươi vui và rộn ràng với bao tiếng cười

Từng chỉ chỉ, dáng điệu, âm thanh, nét mặt của những con người, sự vật trong phiên chợ Tết được tác giả miêu tả rất chận thực, rất đáng yêu. Chỉ đơn giản là một phiên chợ Tết mà toát hết được một vẻ đẹp của mùa xuân nơi làng quê thanh bình và mộc mạc.

Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon

Vài cụ già chống gậy bước lom khom

Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ

Thằng em bé ép đầu bên yếm mẹ

Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu

Con bò vàng ngỗ nghĩnh đuổi theo sau...

Vậy là phiên chợ đầy đủ cả trẻ, cả già, cả nam, cả nữ trong một phiên chợ Tết quê. Người mua, kẻ bán cứ tấp nập đông vui theo ngòi bút của thi sĩ:

Người mua bán ra vào đầy cổng chợ

Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ

Để lắng nghe người khách nói bô bô

Anh hàng tranh kixu kịt quẩy đôi bồ

Tìm đến chỗ người đông ngồi dở bán

Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản

Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân

Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm

Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ

Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ

Nước thời gian gội tóc trắng phau phau...

Thời gian, màu sắc, âm thanh và sự chuyển động của con người tạo nên một bức tranh bằng thơ sinh động và ấn tượng. Tiếng cười nói, sự rộn ràng và vui vẻ của buổi chợ cứ từng chút, từng chút một thấm vào lòng người đọc, tưởng chừng những sự vui vẻ ấy còn văng vẳng đâu đây thì chợ đã tan, người đã về và đành lại đợi đến mùa xuân sau, chợ Tết sau.

 

Ông Đồ - Vũ Đình Liên

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay...

Chắc hẳn trong chúng ta không ai còn xa lạ gì với những vần thơ quen thuộc của bài thơ Ông đồ của thi sĩ Vũ Đình Liên. Người Việt từ xa xưa là những người tôn trọng chữ nghĩa, sách thánh hiền, có tục lệ xin chữ đầu năm để mong cầu những điều tốt đẹp trong năm mới.

 Tục xin chữ đầu năm là một phong tục đẹp trong văn hóa người Việt

Đầu năm xin chữ ông Đồ về treo là một phong tục đẹp đã lưu truyền qua nhiều thế hệ người Việt. Như một dấu hiệu báo xuân, cứ mỗi năm hoa đào nở, một mùa xuân mới lại về, người ta lại rủ nhau đi xin chữ ông Đồ để về treo Tết.  Dẫu chỉ một góc nhỏ trên phố ồn ào, nhưng những chữ mà ông Đồ viết ra đẹp và tài hoa lắm, nhận được bao sự khen ngợi, trân trọng. Chữ viết ấy là hội tụ tất cả những tài hoa, lý tưởng, khát vọng của người học chữ thánh hiền, sống động như phượng múa, như rồng bay.

Rồi cứ mỗi năm mỗi vắng, người thuê viết thưa dần, chẳng còn ai mặn mà với Nho học nữa. Ông Đồ vẫn ngồi ở đó, bên phố người qua lại với mực tàu, giấy đỏ nhưng chẳng ai hay. Cảnh buồn hiu hắt khi mưa bụi mùa xuân giăng mắc, lá vàng rơi trên giấy:

Ông đồ vẫn ngồi đó

Qua đường không ai hay

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu

Năm nay hoa đào nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ

Bài thơ khép lại trong âm hưởng buồn và sự tiếc nuối đến khắc khoải của người viết. Những người muôn năm cũ ấy, những người lưu giữ nét văn hóa cổ truyền của dân tộc, những người đã từng khắc ghi hồn việt qua từng nét chữ đã bị Âu hóa, bị văn minh một thời quên lãng.

Nhưng hôm nay đã khác, người ta đã lại biết trân trọng nét đẹp xin chữ đầu năm, chẳng những thế mà phố Văn Miếu (Hà Nội) cứ dịp đầu xuân là có biết bao ông đồ, bà đồ ngồi bày mực, nghiên, giấy, bút. Phố tấp nập hơn nhưng lá vàng chẳng còn rơi u hoài trên giấy nữa.

 

Tết của mẹ tôi – Nguyễn Bính

Cứ mỗi dịp Tết đến, người bận rộn nhất chính là người mẹ, người phụ nữ trong nhà. Một cái Tết xưa hiện lên rõ nét khi đọc lại bài thơ Tết của mẹ tôi của nhà thơ Nguyễn Bính.

Thi sĩ chân quê, người ta gọi Nguyễn Bính bằng cái tên đặc biệt như vậy. Trong những bài thơ về nông thôn của  Nguyễn Bính, Tết của mẹ tôi là một bài thơ được nhiều người nhớ, nhiều người thuộc. Một trong những bài thơ về Tết hay nhất của nền văn học Việt Nam.

Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều

Mẹ tôi lo liệu đủ trăm chiều

Sân gạch, tường hoa người quét lại

Vẽ cây trừ quỷ, giồng cây nêu

Nuôi hai con lợn từ ngày xưa

Mẹ tôi tính đến Tết thì vừa

Trữ gạo nếp thơm, mo gói bó

Dọn nhà, dọn cửa rửa bàn thờ...

Người mẹ ngày Tết bận rộn là thế, bao công việc đến tay, nào quét dọn, nào trang hoàng nhà cửa, nào lo thịt lợn, gạo nếp để gói bánh chưng... Cái Tết xưa được người mẹ lo lắng, chuẩn bị cả năm, chứ chẳng như ngày nay, chỉ cần vài tiếng ra cửa hàng, siêu thị là đã đủ.

 Tết của mẹ tôi bình dị mà ấm áp, chân quê

Tết mẹ còn mua tranh Đông Hồ, mua bánh pháo cho lũ trẻ trong nhà, thay vì những bánh quà như ngày thường. Một gia đình nề nếp, gia phong được Nguyễn Bính miêu tả thật rõ ràng, chi tiết với đầy đủ các lễ nghi, phong tục. Đêm giao thừa con cháu đứng trước bàn thờ tiên tổ, thành kính mời ông bà về ăn Tết. Sáng mồng 1, ngày đầu năm mới phải dậy sớm, lanh lẹn, rửa mặt nước lá mùi thơm để cả năm may mắn, tốt lành.

Sáng nay mồng một sớm tinh sương

Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường

Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi

Rửa mặt nước mùi hoa đượm hương

Thầy tôi lấy một tờ hoa tiên

Bút lông dầm mực viết lên trên

Trên những gì gì tôi chẳng biết

Giữa đề năm tháng, dưới đề tên...

Tết xưa đối chiếu lại với Tết nay, nhiều phong tục đẹp đã bị mai một. Đó cũng là chuyện dễ hiểu, bởi xã hội ngày càng phát triển, các phong tục cũng dần thích ứng với đời sống cho phù hợp. Người ta chỉ tìm thấy một Tết Việt theo đúng nghĩa ở những vần thơ Tết. Cứ mỗi dịp xuân về, ta lại đọc lại những vần thơ xuân ý nghĩa, để nhớ Tết xưa và trân trọng Tết nay.

Đánh giá bài viết

(21 lượt, 4.7 điểm)

Tin liên quan

Ngắm sắc xuân trên đồi chè Ô Long Sapa

Ngắm sắc xuân trên đồi chè Ô Long Sapa

Ngoài Fansipan hùng vĩ, bản Cát Cát yên bình... Sa Pa (Lào Cai) đẹp lạ với đồi chè Ô Long thơ mộng điểm xuyết những hàng hoa anh đào khoe sắc hồng thắm đón xuân sang.
Các món ăn truyền thống đặc trưng của Tết Việt

Các món ăn truyền thống đặc trưng của Tết Việt

Đất nước ta có ba miền Bắc, Trung, Nam, với điều kiện địa lý mỗi vùng một khác. Ẩm thực Tết mỗi miền cũng vậy, có những nét độc đáo riêng biệt...
Mách bạn các địa điểm du xuân không thể bỏ qua đầu năm mới

Mách bạn các địa điểm du xuân không thể bỏ qua đầu năm mới

Đầu năm mới, mỗi khi Tết đến xuân về, sau những giây phút đoàn tụ quây quần sẽ là những chuyến du xuân đầu năm cùng gia đình rất vui vẻ, đầm ấm sau cả một năm bận rộn
Đã bao lâu rồi bạn chưa về nhà thăm cha mẹ?

Đã bao lâu rồi bạn chưa về nhà thăm cha mẹ?

Khi ta còn bé, ta được bảo bọc và nuôi dưỡng trong vòng tay của cha mẹ, lúc đó gia đình là cả thế giới của chúng ta. Nhưng ta lớn lên, đã bao lâu rồi ta chưa về nhà thăm cha mẹ?

Tin khác